Thà đốt lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối
Rồi một ngày, Fiona thức dậy, đột nhiên cô cảm thấy mình cần làm gì đó để thay đổi. Cô ngồi lại và nghiệm ra chính thái độ sống bất mãn đối với thế giới làm họ trở nên khốn khổ...
Tôi có đọc một tài liệu nói về cô Fiona Harrold, cố vấn cuộc đời hàng đầu tại Anh. Hồi 20 tuổi, cô từng sống chung với nhóm bạn cùng trang lứa trong căn hộ chung cư ở London. Họ thường tụ tập và bàn chuyện tiêu cực về thế giới. Chỉ sau một thời gian ngắn, Fiona nhận thấy bầu không khí quá ngột ngạt. Cô bắt đầu có những suy nghĩ chán sống và hận thù cuộc đời. Các bạn của cô cũng đều rơi vào trạng thái trầm cảm.
Rồi một ngày, Fiona thức dậy, đột nhiên cô cảm thấy mình cần làm gì đó để thay đổi. Cô ngồi lại và nghiệm ra chính thái độ sống bất mãn đối với thế giới làm họ trở nên khốn khổ. Cô đã quyết định thay đổi trước khi mọi chuyện trở nên quá tệ. Cô nhận ra rằng, nếu thế giới đang trong tình trạng tiêu cực, hẳn có phần đóng góp của mỗi người trong thế giới đó.
Fiona đã cùng các bạn chuyển hướng sinh hoạt. Họ tập trung vào những điều mình có thể làm được, mang lại lợi ích cho bản thân và giúp cho những người khó khăn trong xã hội. Bí quyết đầu tiên mang đến sự thay đổi ở họ là: tiêu cực + không tiêu cực = tích cực.
Bí quyết thứ hai là: trở thành điều mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới. Nếu bạn nghĩ thế giới này nên có nhiều tình yêu thương hơn, thì trước tiên bản thân bạn hãy trở nên đáng yêu hơn. Nếu bạn muốn nhìn thấy thế giới này trở nên yên bình hơn, trước tiên bản thân bạn phải trở nên nên bình yên hơn và sống hòa thuận hơn với những người xung quanh. Thay vì than phiền về một điều gì đó, hãy trở thành điều mà bạn muốn nhìn thấy!
Gần chỗ tôi ở, có một chú vượn bị nhốt trong chuồng. Con vượn này hú liên hồi trong đau đớn, như van nài được giải cứu. Dĩ nhiên, tôi chẳng thể nào bước qua đó mà yêu cầu người chủ thả nó ra, nhưng tiếng kêu của nó làm tôi nghĩ đến biết bao động vật khác cũng đang bị nhốt như thế. Chẳng riêng gì loài vượn mà nhiều người cũng đang sống cuộc đời mình trong căng thẳng ở thành phố. Chính cảm nhận ấy đã hối thúc tôi sẵn sàng hỗ trợ những người đang cần được giúp đỡ.
Nếu tất cả những khoảng thời gian dành cho than vãn mà được dùng vào việc tìm ra giải pháp, chắc chắn một thế giới tốt đẹp hơn sẽ không còn là điều xa vời nữa.
Diane Tillman, tác giả người Mỹ của loạt sách Những giá trị sống, từng đến tham quan một nước nghèo. Chị đã chứng kiến cảnh một em bé chừng 5 tuổi, quặn mình trên đường phố vì đau đớn. Lúc đó, chị chẳng thể tự mình giúp em được, nhưng hình ảnh ấy luôn là động lực khiến chị dành nhiều thời gian vào công tác từ thiện, giúp các em nhỏ.
Với tôi cũng vậy, mỗi một hoàn cảnh, mỗi một câu chuyện đều trở thành động lực cho tôi sử dụng bí quyết thứ ba, đó là nhận biết đóng góp thế nào là tốt nhất và rồi bắt tay vào làm.
>>> Có thể bạn quan tâm: Khám phá Lăng kính tâm hồn của Trish Summerfield: Một hành trình đầy cảm hứng
Ai cũng có thể góp phần làm cho thế giới này giàu đẹp nếu họ muốn và theo mọi cách. Chẳng hạn, khi tôi xem những hình ảnh hạn hán ở châu Phi hay ở một số đất nước khác, tôi không thể gửi nước đến cho họ, nhưng tôi ý thức hơn về lượng nước mà tôi đang sử dụng, đồng thời khuyến khích những người khác sử dụng tiết kiệm nếu có thể. Một ví dụ thực tế là chúng tôi đã sử dụng bể đựng nước mưa cho sinh hoạt tại trung tâm, dùng nước rửa rau tưới cho vườn cây; dùng nước rửa mặt, rửa tay cho bồn vệ sinh…
Cô Trish Summerfield - Đang hướng dẫn một hoạt động trải nghiệm tại Inner Me |
Ở những buổi hội thảo, tôi thường khuyến khích nhà tổ chức không sử dụng nước đóng chai. Một vài công ty và vài trường học đã bắt đầu bỏ hẳn việc sử dụng nước đóng chai cho các chương trình đào tạo của họ. Một số bạn nhỏ qua chương trình bảo vệ môi trường, cũng đã sử dụng bình đựng nước thay cho nước uống đóng chai và được các bạn cùng trang lứa hưởng ứng. Ngoài ra, chúng ta còn có thể tham gia làm giảm lượng khí thải CO2 gây nên biến đổi khí hậu trên thế giới bằng việc hạn chế sử dụng máy lạnh trong sinh hoạt gia đình. Đó chính là bí quyết thứ tư, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý và giảm ô nhiễm.
Bí quyết thứ năm là nhận thức rằng, vấn đề nảy sinh từ tâm trí và giải pháp cũng xuất hiện từ tâm trí. Mỗi người đều có thể lựa chọn tập trung hoặc vào vấn đề hoặc vào giải pháp. Đôi lúc, nhìn ra bên ngoài, chúng ta thấy có quá nhiều vấn nạn và thách thức. Cuộc đời lúc đó tựa như màn đêm buông xuống trước tầm nhìn của ta và ta nản chí, nhưng điều kỳ diệu là khi đêm xuống lại là lúc gần hơn với bình minh.
Trish Summerfield - Trung tâm Inner Space Việt Nam
Nguồn: Inner Space Việt Nam <InnerSpace.vn>
Nhận xét
Đăng nhận xét
Vui lòng bình luận tích cực và tôn trọng ✨